Trước tiên là giáo dục nhận thức phải, trái, đúng, sai, thiện cảm đối với sự vật để phát triển thành thói quen hành vi và ý thức đạo đức của trẻ. Vì thế, làm cha mẹ phải biết gây ảnh hưởng, truyền cảm, gợi mở hướng dẫn, thuyết phục và uốn nắn, bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp cho con cái mình theo tiêu chuẩn đạo đức xã hội.
Lời nói thống nhất với việc làm
Miệng nói, tay làm là động lực quan trọng để thúc đẩy việc nhận thức và tình cảm ở trẻ trở thành hành vi đạo đức tốt. Cha mẹ có thể kết hợp cả hai phương thức là “lời nói đi đôi với việc làm”. Nói để giảng giải cho trẻ hiểu cặn kẽ từng vấn đề và sau đó sẽ có các hành động cụ thể. Ví dụ, khi thấy một cụ già, lang thang ăn mày, bạn có thể nói với trẻ rằng: “sức khỏe cụ đã yếu, không thể lao động để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống và có thể cụ không có con cái, hoặc con cái đã mất nên cụ mới phải đi xin… Vì thế, nếu có tiền, chúng ta nên cho cụ một chút để cụ mua đồ ăn, thức uống”. Và sau đó, bạn rút tiền cho cụ…
Ngoài ra, việc giáo dục hành vi cho trẻ, cha mẹ phải tuyệt đối thống nhất giữa lời nói và hành động của mình. Điều này có tác động lớn đến trẻ. Hành động của cha mẹ là cơ sở để trẻ dựa vào đó bắt chước và hình thành hành vi đạo đức. Muốn giáo dục trẻ, trước hết cha mẹ cần phải thực hiện đúng với những lời mà mình đã nói. Ví dụ, chúng ta vẫn thường dạy trẻ là: “cần phải biết lễ phép với người lớn…” thì cha mẹ phải thực hiện đúng những gì đã dạy chúng, để trẻ noi gương. Cụ thể, cha mẹ phải cung kính, lễ phép với ông bà và những người cao tuổi hơn… Nếu lời nói và việc làm của người lớn không thống nhất, việc giáo dục trẻ bằng lời nói sẽ không hiệu quả.
Phù hợp với đặc điểm lứa tuổi và nhận thức của trẻ
Khi trẻ 3 tuổi, cha mẹ hãy dạy trẻ biết thương yêu, biết đồng tình với người khác, tôn trọng những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người lớn tuổi. Hãy gợi ý trẻ biết chia sẻ đồ chơi, thức ăn với các bạn, dạy trẻ biết chú ý lắng nghe người lớn nói, biết làm việc chăm chỉ khi được sai bảo.
Sau 3 tuổi, dạy cho trẻ bắt đầu biết một số quan hệ giữa người với người, phân biệt tốt – xấu về một số sự việc, vì thế hãy cho trẻ làm một số việc và thông qua đó có thể giáo dục trẻ về phẩm chất đạo đức tốt đẹp. Đó là biết yêu quý các tài sản chung (đồ chơi, bàn ghế ở lớp…), yêu lao động; sống ngăn nắp, nề nếp; ăn nói, lễ phép; dũng cảm và thành thực…
Ở độ tuổi 5 đến 6, trẻ đã có nhiều thay đổi. Trẻ đã biết được nhiều thứ và cũng nắm được những chuẩn mực phán đoán tốt – xấu, nhưng vẫn chưa thuần thục để suy xét vấn đề mang tính lý tính. Tính tình của trẻ còn chưa ổn định, dễ bị tác động bởi môi trường xung quanh như: đánh, chửi người khác; làm một số việc không lễ phép… nên cần phải nắm sát việc giáo dục đạo đức cho trẻ.
Phải được biểu hiện trên nhiều góc độ
Tình cảm đạo đức của trẻ phải được bộc lộ trên nhiều phương diện. Đối với bản thân: cần có nghĩa vụ, trách nhiệm, dũng cảm, yêu mến, kính trọng, nhân đạo, thật thà và biết cảm thông với người khác … Cha mẹ cần thông qua nhiều con đường và các phương pháp khác nhau để bồi dưỡng tình cảm đạo đức cho trẻ. Nếu chỉ quan tâm bồi dưỡng cho trẻ về thái độ học tập, mà không chú trọng đến bồi dưỡng tình cảm cho trẻ với gia đình, quê hương, tổ quốc… thì trẻ sẽ không thể có nhận thức đạo đức đúng đắn và không phát triển toàn diện được.
Giáo dục đạo đức cho trẻ qua những tấm gương điển hình
Trẻ thường tư duy bằng hình tượng, nên việc giáo dục cho trẻ bằng phương pháp hình tượng có tác dụng rất lớn. Đặc điểm của trẻ nhỏ là hay bắt chước những gì mà trẻ nhìn thấy, nghe thấy. Vì vậy, cha mẹ cần dựa vào những đặc điểm này để bồi dưỡng các phẩm chất đạo đức cho trẻ.
Hãy kể cho trẻ nghe về những tấm gương trong lịch sử như: chị Nguyễn Thị Sáu, Kim Đồng, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Tám… Phương pháp này có tác dụng rất lớn đến việc giáo dục đạo đức ở trẻ. Ngoài ra, chúng ta còn có thể nêu gương việc tốt, người tốt về những người sống chung quanh để trẻ noi gương và học hỏi những đức tính cao đẹp: lễ phép; biết bảo vệ của công; giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn… Tuy nhiên, tấm gương đạo đức của cha mẹ là trẻ học được nhiều nhất trong cuộc sống.
Rèn luyện thường xuyên: Việc rèn luyện hành vi đạo đức cho trẻ phải được tiến hành thường xuyên và liên tục, để giúp trẻ hình thành thói quen đạo đức.
Hãy bình tĩnh và nhẹ nhàng khuyến khích trẻ: Cha mẹ cần giữ thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng để hướng dẫn trẻ thực hiện các hành vi đạo đức. Không nên quát mắng khi trẻ có các hành động sai, mà hãy nói chuyện một cách cởi mở, vui vẻ để trẻ nhận ra hành động sai của mình. Ví dụ, trẻ vứt bỏ đồ chơi của bạn, cha mẹ có thể hỏi: “Tại sao con lại vứt đồ chơi của bạn?”, “Nếu bạn khác cũng vứt đồ chơi của con thì có còn đồ để chơi không?”… Sau khi phân tích cho trẻ hiểu về hành động sai của mình và hãy rằng, con cần phải xin lỗi bạn phải không?…