Lúc đầu, Giáo sư Ngô Bảo Châu khá tin vào các phương pháp giáo dục từ sách vở. Nhưng càng ngày, anh càng thấy chúng chỉ áp dụng được cho số lớn, không áp dụng được cho số nhỏ là mình và con cái của mình. Cái chính vẫn là phải có thời gian cho con, biết lắng nghe và động viên con.

 

Sai lầm lớn nhất, mà bản thân anh cũng đã mắc phải, là nghĩ cái gì tốt cho mình thì ắt là tốt cho con. Biết chính xác cái gì tốt cho con mình là rất khó. Tiềm năng của mỗi đứa trẻ rất khác nhau. Để hiểu được, phải cần nhiều thời gian.

 

Cái khó nhất của người làm bố mẹ là nhận ra đâu là tiềm năng của con để giúp nó trở thành khả năng. Tuy vậy, vẫn có một số việc tốt cho mọi trường hợp, chẳng hạn như mỗi ngày đọc sách cho con.

 

Nhiều người thích làm cách mạng giáo dục, cứ bắt thầy với trò là bạn, bố với con là bạn. Cái này cực kỳ sai lầm vì thực ra trò cần mình làm thầy, chứ không cần mình làm bạn. Con cần mình làm bố chứ không cần mình làm bạn. Làm bạn có thể vui hơn, nhưng trẻ con sẽ bị thiệt thòi.

 

Làm thầy, làm bố không đồng nghĩa với độc tài, mà là có ý thức để một số ranh giới không cho trẻ vượt qua vì có thể nguy hiểm đến thể xác hoặc sự phát triển của tâm hồn.

 

Trẻ sẽ không giận nếu trong một số việc mình quyết định thay cho nó, mà có khi không giải thích được cặn kẽ. Chỉ có điều quyết định của mình phải nhất quán, không tùy tiện, nay thế này mai thế khác.

 

Có những chuyện không nên nói với trẻ con, điển hình là tiền. Trẻ con nhà anh chỉ hiểu sơ sơ là tiền dùng để mua các thứ đồ dùng và cần tiết kiệm tiền. Hoàn toàn không có khái niệm là phải đi làm để kiếm tiền.

 

Biết tiết kiệm chính là cách tốt nhất để không bị lệ thuộc vào đồng tiền. Có thì tốt, không có thì thôi.

 

Vai trò của xã hội, theo nghĩa hẹp và nghĩa rộng, cũng có ảnh hưởng trong việc giáo dục trẻ con. Bạn bè thân gặp nhau cũng là dịp để con cái chơi với nhau. Chúng chơi với nhau để khỏi phải chơi với cái máy tính.

 

Trẻ con luôn cần một mẫu hình để noi theo. Qua bạn bè của con, cha mẹ cũng dễ giải thích cho con nhiều điều hơn. Tại sao bạn này làm như thế là không hay, tại sao bạn kia làm như thế này là đúng.

 

Những hoạt động tập thể như cắm trại, đi bộ, đạp xe việt dã, tham gia hoạt động xã hội một cách có tổ chức, có lẽ là cách giáo dục tốt nhất về kĩ năng sống cho các em. Tuổi vị thành niên là tuổi mà người ta bắt đầu có ý thức về bản thân, nên rất say sưa tìm hiểu bản thân.

 

Vì thế mà khả năng giao tiếp xã hội có phần kém đi so với các em bé cấp một, cấp hai. Phần đông các em thích những hoạt động tập thể, nếu nó không đi kèm với quá nhiều tiết mục giáo dục.

 

Giáo sư Ngô Bảo Châu rất “mê tín” phương pháp. Học cái gì cũng phải có phương pháp, chứ không thể học kiểu lãng tử được. Với trẻ con, ban đầu cần phải gò vào khuôn, sau đó thì mới có thể nổi loạn, phá cách.

 

Trước hết phải có cách thì mới có cái gì mà phá, chứ ngay từ đầu đã hỗn mang thì mức độ sáng tạo sẽ rất vừa phải. Các triết lý chung chỉ nên dừng ở mức là bảo mình không nên làm gì, chứ không nên bảo mình phải làm gì và phải làm như thế nào.