Tôi sang Mỹ định cư đã được hơn 20 năm. Trong dịp hè vừa rồi, tôi có về lại Việt Nam vì chút công việc đồng thời kết hợp thăm gia đình, họ hàng ở Hà Nội. Tôi nhận thấy cuộc sống ở đất nước mình giờ đã đổi khác rất nhiều, trẻ em cũng được có cuộc sống đầy đủ hơn chúng tôi khi xưa. Nói cụ thể ra là bây giờ chúng “ăn sung mặc sướng” nhiều quá.
Tôi thấy hai cậu con trai con chị gái tôi ở Việt Nam, một mẫu giáo, một lớp 2 thường xuyên vòi vĩnh đòi hỏi và không bao giờ thỏa mãn với những thứ chúng có. Chỉ một tuần ở nhờ nhà chị thôi mà tôi đã nghe liên tiếp những câu hét inh ỏi của chúng. Rằng “Mẹ ơi ra giúp con giải bài toán này NGAY!”, hay “Eo! Mẹ nấu món gì mà đen xì thế này? Con không ăn đâu”. Hoặc khi tôi có ý rủ chúng cùng về quê thăm cụ nội, chúng ngay lập tức nhăn nhó “Chủ nhật cháu còn phải đi đá bóng. Cháu không về quê thăm cụ được” khiến tôi hụt hẫng vô cùng. Tôi biết mình chẳng thể ca bài ca “Ngày xưa khổ lắm..” để giảng giải cho những đứa cháu mình về lòng biết ơn và coi trọng giá trị cuộc sống cũng như những gì tốt đẹp chúng nhận được từ bố mẹ và người lớn. Tuy nhiên, khi sống tại Mỹ, tôi thấy trẻ em bên này khác hẳn. Chúng biết tôn trọng những gì người lớn làm cho chúng. Luôn biết nói “cảm ơn” khi tôi cho chúng dù chỉ một cái kẹo nhỏ.
Trẻ cần biết cảm ơn mỗi bữa ăn ngon mẹ nấu cho (ảnh minh họa)
Đương nhiên, trẻ con không thể tự lớn lên đã có lòng biết ơn. Cũng không phải đứa trẻ sinh ra ở Mỹ thì sẽ có thái độ tốt hơn đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam. Khoảng cách địa lý chẳng đóng vai trò gì ở đây cả. Cái quan trọng là cách giáo dục và phương pháp dạy dỗ con của các gia đình Việt – Mỹ rất khác nhau. Mà tôi muốn chia sẻ ở đây cách các vị phụ huynh Mỹ đã dạy con mình lòng biết ơn như thế nào.
Người Mỹ luôn quan niệm rõ ràng “Chúng ta càng cho trẻ nhiều thứ, trẻ sẽ càng ít quí trọng”. Khi con đòi một bộ đồ chơi, chúng ta mua cho con. Khi con tiếp tục đòi những món khác đắt tiền hơn, một bộ trống, một cái xe đạp địa hình, một cái máy nghe nhạc…chúng ta lại tiếp tục chiều con với ý nghĩ chúng sẽ vui và biết ơn mình. Thực tế không phải như vậy. Càng làm nhiều thứ cho con, càng những thứ con dễ dàng có được, trẻ sẽ càng không biết quí trọng. Như trường hợp của hai cậu con trai chị gái tôi. Chúng đã “mặc định” việc của mẹ là phải giúp chúng làm bài tập, phải nấu cho chúng những món ăn ngon… Do đó, chúng sẵn sàng “ra lệnh” cho mẹ và “chê ỏng chê eo” trước những món ăn không hợp khẩu vị.
Ở Mỹ, mỗi khi mua cho con một món đồ chơi hay quần áo mới, tôi thấy các bạn tôi thường yêu cầu con mình đưa lại một thứ chúng không cần nữa để gửi đến các quĩ từ thiện. Đó là qui tắc “get one, donate one”. Tất nhiên, họ không chỉ đơn giản là gói món đồ lại và cho vào những hộp từ thiện được đặt ở các trường học hay siêu thị. Các bạn tôi luôn cố gắng đưa con đến tận những nhà thờ nơi có các em nhỏ mồ côi, hay các trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật của thành phố và để cho chúng thấy món đồ chơi cũ của chúng đã được đến tận tay các bạn nhỏ. Cho trẻ thấy được những mảnh đời, những cuộc sống không bằng của mình sẽ giúp con thêm biết ơn và quí trọng những thứ mình có. Đó cũng là một trong những lý do mà “văn hóa làm từ thiện” rất được ủng hộ tại Mỹ.
Một phương pháp nữa rất hay được các gia đình Mỹ thực hiện. Đó là sử dụng những “Thank you note”. Tôi đã rất vui khi nhận được một bức thư nhỏ từ David, con trai một người hàng xóm. Cậu bé đã viết cảm ơn tôi vì đã cho cậu bé một phần bánh qui mà thực ra thì tôi chỉ là đã lỡ tay làm quá nhiều. Mẩu giấy cũng chẳng có gì. Chỉ có một dòng chữ cảm ơn được viết nắn nót nhất có thể của một cậu bé mới lên 6 thôi nhưng David đã vẽ thêm vào đó hình một “ông thiên thần” cầm theo vài cái bánh tròn tròn khiến tôi rất thích thú.
Mẹ của David kể với tôi rằng: ban đầu khi hai vợ chồng chị yêu cầu con thực hiện viết giấy về những điều làm mình biết ơn trong ngày, David thường tỏ ra rất “lười biếng”. Cậu bé luôn nhăn nhó và trì hoãn “Để sau được không mẹ, con xem nốt chương trình này”. Nhưng sau đó, đúng 15 phút hết chương trình tivi, David tự động tắt máy và ngồi vào viết “giấy cảm ơn”. Ban đầu, cậu bé chỉ biết “cảm ơn” vài dòng ngắn ngủi về bữa ăn ngon hôm nay mẹ nấu hay cái ô tô hỏng đã được bố sửa. Sau dần, càng ngày David càng viết thêm được nhiều, từ cô bạn bàn bên cho con mượn bút đến bác hàng xóm tốt bụng cho con đi nhờ từ trường về, mỗi món quà con nhận được trong ngày lễ Giáng Sinh…
Viết những bức thư cảm ơn như vậy rất quan trọng và đôi khi mang lại lợi ích không ngờ trong những mỗi quan hệ xã hội sau này. Trẻ nhỏ thường không biết quí trọng giá trị cuộc sống và đôi khi cho rằng việc mọi người đối xử tốt với mình điều đương nhiên. Chính vì vậy, là cha mẹ, ta cần có trách nhiệm chỉ bảo, dạy con viết và nói lên lòng biết ơn của con với những việc làm tốt mọi người dành cho con. Từ đó giúp trẻ hình thành thói quen tích cực, biết ghi nhận và đánh giá đúng tấm lòng của mọi người. Làm được điều này, chắc chẳn sẽ không bao giờ bố mẹ phải thấy cảnh “quí tử” của mình xụ mặt khi nhận được món quà không ưng ý hay “chê ỏng chê eo” món ăn mẹ đã kỳ công làm cho con.
Đương nhiên, một số mẹ sẽ cho rằng chỉ có “người Mỹ” mới làm được như vậy. Chứ đây là Việt Nam, chẳng ai làm thế bao giờ. Tôi thì không cho là như vậy. Như tôi đã nói ở trên, việc giáo dục con không liên quan đến vấn đề…địa lý. Bạn hãy cứ dạy con theo những phương pháp mà mình thấy là hay và hiệu quả, bất kể đó là phương pháp của quốc gia nào. Tôi tin rằng với sự học hỏi, tiếp thu những cái tốt, chúng ta sẽ tạo ra một thế hệ trẻ em Việt Nam mới càng ngày càng thông minh và ngoan ngoãn.
Chia sẻ của độc giả Nguyễn Phạm Thanh Nhài (Cầu Giấy, Hà Nội)