Dành thời gian trò chuyện với con
Trao đổi thông tin là một cách phát triển ngôn ngữ cho bé. Khi ngôn ngữ được mở rộng sẽ là sự khởi đầu quan trọng để con bạn có thể phát triển các lĩnh vực “lân cận” khác. Bởi ngôn ngữ sẽ “ép” trẻ phải suy nghĩ để giải quyết nhanh chóng một vấn đề, suy nghĩ để bày tỏ quan điểm của mình.
Giờ đây khi Min Hi – con gái chị Đào 5 tuổi, bé đã thuộc lòng bảng chữ cái, đọc sách báo trôi chảy, trộm vía bé rất thông minh, trình bày một vấn đề luôn kín kẽ. Chị Đào kết luận, đúng là khi phát triển ngôn ngữ sớm, con sẽ có nền tảng để phát huy sự sáng tạo, trí thông minh sau này.
Chia sẻ về bí quyết tập cho bé nói sớm, chị khuyên chị em nên đọc sách, hát cho bé nghe, tóm lại bố mẹ và con thường xuyên phải có sự trao đổi thông tin. Có thể lúc bé còn nhỏ, còn chưa hiểu được câu chuyện, lời bài hát nhưng đó chính là lúc giúp bé đang “gồng mình” để phát triển ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất.
Còn về chữ cái, chị Đào chia sẻ ngay từ khi Min Hi hơn 1 tuổi chị đã cho bé tiếp xúc với bảng chữ cái, hình con giống, cây trồng đầy màu sắc. Chị luôn khơi gợi con học mà chơi – chơi mà học.
Cho bé sớm trải nghiệm
Hãy để trẻ trải nghiệm càng nhiều càng tốt, tiếp xúc nhiều với thế giới xung quanh sẽ khiến tâm hồn trẻ trở nên hào hứng hơn, màu sắc, sống động hơn.
Ví dụ ở nhà, bố mẹ cho chơi nặn đất, cắt giấy, xếp khối màu… những sự tiếp xúc mới mẻ này sẽ khiến bé phát triển sự sáng tạo của mình.
Bên cạnh đó, bố mẹ cũng sớm nhận ra được khả năng tiềm tàng đang ẩn chứa đằng sau con khi thấy bé có một phát hiện mới với những trò chơi này.
Hoặc bạn có thể đưa con đi dạo và đưa con đến nhiều nơi đông đúc hơn như siêu thị, sân chơi. Cho con cảm nhận được những cảnh vật, những âm thanh khác nhau.
Trời nóng cũng như trời lạnh, tối nào, cả nhà chị Uyên Nhi (Bích Câu, Hà Nội) cũng phải lượn lờ tập thể dục quanh phố. Chị Nhi chia sẻ: “Khu nhà mình có thói quen hay đi thể dục buổi tối. Tuy bé Xíu còn nhỏ, mới hơn 8 tháng nhưng mình muốn cho con cảm nhận sự mới mẻ của không gian. Có thể là một buổi tối nóng hừng hực hay một ngày trời se se. Có thể là buổi tối mà cũng có thể là ban sáng. Cho con tiếp xúc trực tiếp với không khí, thiên nhiên, cây cỏ, con người… mình thấy Xíu ngày càng dạn dĩ và lanh lẹ hơn bạn cùng tuổi”.
Hạn chế cho bé “chăm chú” trước tivi quá nhiều bởi điều này sẽ không kích thích trẻ sáng tạo, trải nghiệm. Trẻ cần những trải nghiệm thực sự chứ không phải là những hình ảnh ảo trên tivi.
Học cách lắng nghe con
Dù công việc bận rộn mệt mỏi nhưng bố mẹ hãy cố gắng dành thời gian để lắng nghe trẻ tâm sự, giãi bày. Khi biết tiếng nói của mình được tôn trọng, bé sẽ hào hứng “kể lể” nhiều hơn. Và rồi, chúng sẽ thấy mình cần phải có trách nhiệm với lời mình nói và điều này khiến bé tự tin hơn.
Không thỏa hiệp với những mè nheo của con
Thấy con khóc, sợ con trớ sạch cả bữa cháo mới ăn trước đó dăm phút, chị Mai Chi (Trần Hưng Đạo) lại hớt hải ngọt ngào với con: “Con thích gì thì mới không khóc nào? Ném điều khiển nhé”.
Thế là chị đã hoàn toàn thất bại rồi. Nếu bà mẹ luôn đáp ứng ngay và luôn trước mọi điều khoản và yêu sách của con cưng thì không nên chút nào. Đó hoàn toàn không phải là một cách hay để giúp con thông minh.
Các chuyên gia khuyên chị em nên khuyến khích trẻ suy nghĩ trước những yêu cầu đó: “Con nghĩ nên như vậy không? Tại sao lại thế”. Và bố mẹ cần bắt trẻ chịu trách nhiệm với những yêu cầu đó.
Chọn trò chơi phù hợp với lứa tuổi trẻ
Những trò chơi giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành khả năng tư duy, giúp trẻ phát triển trí thông minh. Tuy nhiên, ở mỗi một lứa tuổi, bé lại thích hợp với một món đồ khác nhau.
Vì vậy, khi bé đã đến tuổi, bạn đừng ngần ngại giới thiệu những trò trả lời câu đố có thưởng, giải ô chữ, cờ tướng, ghép hình… Những trò chơi này phát huy tối đa sự hoạt động của não bộ trẻ.
Cung cấp cho trẻ một chế độ dinh dưỡng hợp lý
Đầu tiên cần có là chất béo (có trong mỡ cá, dầu thực vật, mỡ lợn…) để hình thành hệ thần kinh và màng tế bào thần kinh. Các axít béo quan trọng cho việc hình thành cấu trúc và chức năng của não như DHA, ARA. Để não hoạt động minh mẫn và linh hoạt, bé cần thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa…
Chất sắt (trong thịt, gan, lòng đỏ trứng, cá…) và vitamin C (trong rau, trái cây) rất quan trọng với sự phát triển trí thông minh. Các vitamin và khoáng chất khác như vitamin nhóm B, vitamin E,… cũng tác động lên hoạt động não bộ.
Tóm lại, một chế độ ăn đủ lượng, đủ chất, đa dạng sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng và sự thông minh cho con bạn.
ST: ThuyDuong