Thói quen sợ uống thuốc, có thể xuất phát từ một số sai lầm khi cho bé uống thuốc sau đây:
– Dùng dạng thuốc viên của người lớn tự chia nhỏ ra, nghiền cho bé uống, thuốc dạng này thường rất đắng và khó uống, trẻ dễ nôn;
– Có người pha thêm nước trái cây, mật ong, sữa hoặc thức ăn ngọt khác vào thuốc cho trẻ uống. Không nên làm điều này vì dễ thay đổi dược tính của thuốc, có khi còn gây ngộ độc cho bé;
– Có người nhét nguyên viên thuốc vào miệng bé rồi đổ nước cho trẻ nuốt. Thật nguy hiểm nếu viên thuốc đi vào thanh quản, khí quản gây “hội chứng xâm nhập” là các ống phổi co thắt dữ dội có thể làm trẻ ngạt thở và tử vong;
– Có người bóp mũi trẻ, rồi đổ nước thuốc vào miệng bắt trẻ nuốt. Thuốc có thể đi vào phổi gây ngạt thở như trên;
– Có người dù trẻ đang khóc, nhưng cứ kiên quyết trút cả ly thuốc vào miệng trẻ cho xong việc. Thuốc có thể đi vào phổi do trẻ hít vào, gây ngạt thở. Nếu không ngạt thở thì sau đó do khóc, do lợm giọng trẻ cũng nôn thuốc ra.
– Việc cố ép trẻ uống thuốc, uống nhanh, uống thuốc đắng… làm cho trẻ có phản xạ là khi nghe tiếng muỗng chạm vào ly, cốc là trẻ muốn nôn làm cho việc uống thuốc càng khó khăn hơn.
Để giúp trẻ uống thuốc dễ dàng, an toàn, sau đây là một số hướng dẫn:
– Chọn dạng thuốc thích hợp: thuốc cho những bé dưới 24 tháng tuổi thường được bào chế dưới dạng si-rô, dạng huyền dịch, dạng bột có vị thơm, ngọt cho bé dễ uống. Không lấy thuốc người lớn cho trẻ uống.
– Thuốc mỗi lần pha ra thường có khối lượng khá nhiều, nên dùng thìa thật nhỏ cho bé uống từ từ, nếu trẻ khóc thì cho uống thêm ít nước để sạch thuốc trong miệng và nghỉ, chờ 10 phút sau cho uống lần 2, nếu vẫn chưa hết thì ngưng và lập lại lần 3. Thuốc uống vào dạ dày cũng cần khoảng ít nhất 30 phút mới bắt đầu có tác dụng nên thuốc vẫn có hiệu lực đủ liều;
– Nếu thuốc quá đắng thì có thể cho thêm đường cát trắng vào thuốc, dù có nhiều cũng không sao và xem như dạng si-rô thuốc. Còn tuyệt đối không cho bất cứ thứ gì khác sẽ làm mất tác dụng của thuốc.