Bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết đôi khi những điều con cái mong muốn lại khác hẳn so với suy nghĩ của bố mẹ. Thử một lần lắng nghe lời con, bạn sẽ thấy điều đó:

– Đừng sợ phải cứng rắn với con. Con thích điều đó, nó khiến con cảm thấy an tâm.

– Đừng chỉnh sửa con trước mặt mọi người. Con sẽ chú ý hơn nếu bố mẹ nói chuyện riêng với con.

– Đừng làm con cảm thấy những sai lầm của con là tội lỗi. Điều đó làm con bối rối khi cảm nhận về các giá trị của bản thân.

– Đừng quá buồn nếu con nói “con ghét bố mẹ”. Sự thực không phải là thế, chỉ đơn giản là con cần được bố mẹ quan tâm.

– Đừng bảo vệ con khỏi những hậu quả xấu. Con cần phải biết đến những khó khăn trong cuộc sống.

– Đừng đay nghiến, chì chiết con. Nếu bố mẹ làm thế, con buộc phải bảo vệ mình bằng cách coi như không nghe thấy gì.

– Đừng vội vàng hứa hẹn. Xin bố mẹ hãy nhớ rằng con sẽ cảm thấy vô cùng thất vọng nếu bố mẹ thất hứa.

– Đừng quá nặng nề với sự trung thực của con. Con rất dễ nói dối khi sợ hãi.

– Đừng mâu thuẫn, trước sau không như một. Điều đó khiến con hoàn toàn bối rối và mất niềm tin vào bố mẹ.

– Đừng lẩn tránh các câu hỏi của con. Nếu bố mẹ làm vậy, con sẽ ngừng hỏi và tìm kiếm thông tin ở chỗ khác.

– Đừng nói với con rằng nỗi sợ hãi của con là ngớ ngẩn. Chúng rất thực và bố mẹ có thể phải cố gắng nếu muốn hiểu được điều đó.

– Đừng bao giờ cho rằng bố mẹ là hoàn hảo hay không bao giờ sai lầm kẻo con sẽ sốc nặng khi phát hiện ra bố mẹ không phải như thế.

– Đừng bao giờ nghĩ rằng phải xin lỗi con là một việc vượt quá lòng tự trọng của bố mẹ. Một lời xin lỗi chân thành khiến con thực sự cảm thấy ấm áp.

– Đừng quên rằng con lớn rất nhanh. Hẳn là rất khó để bố mẹ bắt kịp với con, nhưng xin bố mẹ hãy cố gắng.

– Đừng quên con thích được thử nghiệm. Con không thể khôn lớn nếu không làm thế, vì vậy xin bố mẹ hãy chấp nhận.

– Đừng quên rằng con chẳng thể lớn khôn nếu không được yêu thương thật nhiều. Nhưng có lẽ con không cần phải nói mãi điều đó, phải vậy không bố mẹ của con?