Cho con bú bình có thể là cuộc chiến vật vã, khổ sở của nhiều ông bố bà mẹ. Tham khảo những mẹo nhỏ dưới đây để bé yêu hấp thu được đầy đủ chất từ nguồn sữa dồi dào dinh dưỡng một cách ngon lành mà mẹ vẫn “nhàn tênh”.

Chơi trò “bình mới rượu cũ”

Bé ghét bú bình có thể vì bé quen hơi sữa mẹ, quen sự mềm mại của đầu ti mẹ và chưa thích nghi với núm vú của bình sữa. Mẹ có thể cho bé làm quen với bú bình bằng cách vắt sữa mẹ cho vào trong bình và cho bé bú. Khi bé đã quen rồi, mẹ mới bắt đầu pha sữa công thức vào bình.

Chọn núm vú bình tương tự ti mẹ

Mẹ nên chọn núm vú bình sữa càng giống đầu vú mẹ thì càng tốt. Núm vú cao su không được quá ngắn hay quá hẹp khiến bé khó mút. Tốc độ dòng chảy của núm vú không được quá nhanh, dễ làm bé sợ và không bú kịp cũng như không được quá chậm, làm bé bực bội vì phải chờ lâu. . Để kiểm tra dòng chảy của sữa, mẹ nên dốc ngược bình và chờ sữa nhỏ giọt. Tốc độ chảy sữa của núm vú nên là 1-2 giọt/giây sẽ phù hợp với bé hơn cả.

Làm ấm núm vú và bình sữa

Nhiều bé thích bú sữa nóng hơn sữa ở nhiệt độ thường, tất nhiên không phải là nóng đến mức làm bé bỏng. Không chỉ sữa bên trong bình nên làm ấm mà cả vú sữa cũng cần ngâm trong bát nước ấm trước khi cho bé bú để tạo cảm giác ấm áp như bầu sữa mẹ.

Nhờ người khác cho bé bú bình

“Bí kíp” cho bé bú sữa “một phát hết bình” - 1

Mẹ có thể nhờ người thân cho bé bú bình để tránh tình trạng bé khóc đòi ti mẹ. (Ảnh minh họa)

Nhiều bé nhất quyết không chịu bú bình sữa mẹ cầm trên tay vì muốn “rúc” vào bầu ngực của mẹ, khóc đòi ti mẹ cho bằng được. Do đó, mẹ có thể nhờ ông bà hoặc bố của bé cho bé tập bú bình.

Chọn tư thế “chuẩn”

Vì thời gian cho bé bú bình có thể kéo dài, mẹ cần chọn lựa tư thế dễ chịu nhất cho con. Hãy vòng một cánh tay ra để đỡ lấy đầu bé, cho bé ngẩng đầu lên theo hướng 45 độ để bé không bị nuốt quá nhiều không khí, điều chỉnh đầu và cổ cho bé thoải mái. Ôm bé lâu có thể khiến tay mẹ bị mỏi, mẹ nên dựa lưng sẵn vào một chiếc gối và đổi vị trí hai tay cho nhau vào giữa buổi cho bé ăn. Việc thay đổi như thế này không chỉ giúp mẹ nghỉ ngơi đôi tay mà còn giúp bé thay đổi không khí và hào hứng ti sữa hơn.

Vỗ ợ hơi cho bé

Khi dạ dày bé nhỏ của trẻ sơ sinh bị chứa quá nhiều không khí, bé sẽ bị no mặc dù vẫn chưa bú đủ lượng sữa cần thiết. Vỗ ợ hơi giúp không khí trong dạ dày bé được thoát ra ngoài. Dấu hiệu để nhận biết lúc bé cần ợ hơi là khi bé quay đầu đi chỗ khác, không chịu bú nữa chỉ vừa vài phút sau khi cho bú, điều này chứng tỏ bé bị đầy hơi chứ không phải là đã no.

Kiên nhẫn là chìa khóa thành công

Hầu hết các bé khi chuyển từ giai đoạn bú mẹ sang bú bình đều chống đối quyết liệt. Vì vậy, điều quan trọng là mẹ cần phải kiên trì, tập cho bé bú bình dần dần. Có mẹ chọn cách đổ sữa ra thìa để đút cho bé, đây cũng là một cách hay vì nhiều bé có sở thích ăn thìa hơn là ăn qua núm vú.

Không cho bé bú bình quá sớm

Trước khi bé được 2 tháng tuổi, không nên cho bé bú bình, kể cả là vắt sữa mẹ cho vào bình sữa của con. Bé làm quen quá sớm với bình sữa sẽ không kịp thích nghi để chịu bú hoặc có thể quen với bú bình mà từ chối ti mẹ, khiến việc nuôi con bằng sữa mẹ kết thúc sớm, khiến nguồn sữa mẹ vô cùng quý giá bị lãng phí. Bé nên được tập bú bình trước khi mẹ đi làm 2 tuần.

Theo: eva.vn