Cũng theo tiến sĩ Hanh, viêm phổi (còn gọi viêm phế quản phổi ở trẻ nhỏ) là bệnh viêm các phế quản nhỏ, phế nang và các tổ chức quanh phế nang. Ở Việt Nam, trẻ viêm phế quản phổi chiếm 30-34% các trường hợp đến khám và điều trị tại bệnh viện. Tử vong do viêm phổi chiếm 75% trong các bệnh lý hô hấp.

Các nguyên nhân gây viêm phổi:

– Do virus: Chiếm 60-70% các trường hợp thường gặp. Virus hợp bào hô hấp, virus cúm, á cúm và adenovirus.

– Vi khuẩn: Phế cầu, liên cầu, haemophilus, tụ cầu và các vi khuẩn không điển hình.

– Hay xảy ra ở trẻ dưới một tuổi, đẻ non, thiếu cân, suy dinh dưỡng, còi xương, bị bệnh hô hấp mạn tính, sống trong môi trường ô nhiễm.

Triệu chứng:

– Sốt, trẻ sơ sinh xuất hiện hạ thân nhiệt, mệt mỏi, ăn kém, môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi, ho, ho khan hoặc có đờm xanh, khó thở.

– Nhịp thở nhanh so với lứa tuổi. Đây được coi là dấu hiệu chính và xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi:

Dưới 2 tháng: ≥ 60 lần/phút

Từ 2 tháng đến 12 tháng: ≥ 50lần/phút

Từ 1-5 tuổi: ≥ 40lần/phút

Từ 5 tuổi trở lên: > 30 lần/phút

– Co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng, bác sĩ khám thấy ran bệnh lý ở phổi.

– Chụp phim có hình ảnh tổn thương phổi trên X-quang.

– Xét nghiệm có bạch cầu trong máu tăng, CRP tăng (CRP là một glycoprotein được gan sản xuất, bình thường không thấy protein này trong máu).

Điều trị:

– Khi các bà mẹ thấy con mình có các biểu hiện như trên nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, chụp X-quang, xét nghiệm máu và điều trị kháng sinh kịp thời. Tuyệt đối không tự ý điều trị kháng sinh ở nhà.

Phòng tránh:

– Đảm bảo sức khỏe bà mẹ khi mang thai: Ăn đủ chất, khám thai định kỳ, tiêm phòng…

– Vệ sinh sạch sẽ môi trường sống của trẻ.

– Cho trẻ bú sớm, kéo dài.

– Tiêm chủng theo lịch.

– Đặc biệt cần phát hiện các dấu hiệu nhiễm khuẩn hô hấp nói chung và viêm phổi nói riêng để được điều trị kịp thời.

>> Mẹ có nên cho bé mặc quần áo trẻ em xuất khẩu xịn

Nguồn: tổng hợp