Trên đường từ cơ quan về nhà, bạn quên béng mất việc phải rẽ qua hàng giặt là để lấy một chiếc chăn mà sáng nay bạn mới gửi. Ở cơ quan, bạn luôn quên vị trí cất hồ sơ ở đâu và thường phải lục tung mọi tài liệu lên để tìm kiếm. Bạn đãng trí tới mức không nhớ nổi công thức nấu những món ăn mà trước đây bạn vẫn làm hàng tuần cho gia đình mình.

Những điều bạn vừa trải qua thực ra không gây ngạc nhiên cho nhiều phụ nữ mới sinh con bởi nhiều người trong số họ cũng có triệu chứng giống hệt như bạn.

Tinh thần bị sa sút

Đã có nhiều nghiên cứu xoay quanh chủ đề này và nhận được khá nhiều kết quả trái ngược nhau. Trong cuốn sách The Mommy Brain, các nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng phụ nữ mang thai và bà mẹ mới sinh thường có điểm số trong các bài kiểm tra về khả năng nhận thức thấp hơn so với những người bình thường khác, nhất là các bài tập có liên quan đến việc ghi nhớ từ vựng.

Trong một nghiên cứu năm 2006, với 57 phụ nữ mang thai và 50 phụ nữ không mang thai có trình độ học vấn tương đương nhau, kết quả các bài kiểm tra cho thấy rằng những phụ nữ mang thai có điểm số luôn thấp hơn những phụ nữ kia.

Nhưng một nghiên cứu khác lại có kết quả trái ngược. Năm 1989, các nhà nghiên cứu mời 33 phụ nữ tham gia một khóa học tập trong suốt thời gian họ mang bầu. Kết quả cho biết nếu không có gì ngoại lệ, các bài kiểm tra của những phụ nữ này thường có điểm số cao trong thời gian mang thai. Điểm số còn tiến bộ vượt bậc khi họ tiến vào những giai đoạn cuối thai kì.

Hành trình làm mẹ giúp bạn thông minh hơn

Một nghiên cứu ở Vương quốc Anh năm 2003 đã có những so sánh giữa những phụ nữ mang thai và phụ nữ không mang thai bằng ba loại bài tập khác nhau.

Trong khi các nhà nghiên cứu không tìm ra được sự khác biệt đáng kể nào về khả năng ghi nhớ của cả hai nhóm thì những phụ nữ mang thai tự cho rằng họ cảm thấy rất khó khăn trong việc ghi nhớ và tập trung lúc làm bài, cho dù kết quả các bài kiểm tra lại không thể hiện như vậy.

Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng kết quả này có thể là do những suy nghĩ mặc định của phụ nữ mang thai, bởi họ luôn cho rằng họ thường phải chịu nhiều thiệt thòi về trí nhớ trong giai đoạn bầu bí.

Nhiều kết quả khác nhau về trí nhớ của phụ nữ thời điểm mang thai còn phụ thuộc vào nội dung các bài kiểm tra của họ nữa. Nghiên cứu năm 1999 ở Australia đã có một kết quả trái ngược hoàn toàn.

Nghiên cứu này nói rằng những phụ nữ mang bầu hoặc vừa mới sinh con thậm chí còn có những phản ứng về từ vựng tốt hơn những phụ nữ không mang bầu.

Ellison – tác giả cuốn sách The Mommy Brain – cho rằng hành trình làm mẹ giúp cho người phụ nữ trở nên thông minh hơn. Những nghiên cứu trên chuột cho thấy trong quá trình mang thai, các tế bào não của chuột mẹ phát triển thành rất nhiều nhánh. Kết quả tương tự cũng được tìm thấy khi chuột mẹ sinh con.

Vào thời điểm này, chúng có thể tìm bắt các loại côn trùng mà chúng thường ăn với tốc độ nhanh như những con chuột không có con.

Cảm giác rõ ràng

Donald Buckley, giáo sư sinh học tại Đại học Quinnipiac nói rằng kết quả trên rất hợp lý để giả định về một quá trình tương tự diễn ra ở phụ nữ. Khi một sinh linh bé bỏng chào đời, bản năng của mỗi người mẹ là chăm sóc các con.

Đây là bản năng tự nhiên và rất quan trọng trong quá trình bảo vệ sự sống còn của các giống loài, với cả con người cũng không ngoại lệ. Bởi vậy, các giác quan của những người mẹ phát triển mạnh trong thời kỳ này.

Khứu giác các bà mẹ cảm nhận được mọi thứ rõ ràng hơn trong giai đoạn mang thai và sau khi sinh, giúp họ tránh những loại thức ăn có ít nhiều độc tố, hoặc phân biệt được những đứa trẻ sơ sinh này với những đứa trẻ sơ sinh khác.

Sẵn sàng học tập và nghiên cứu

Theo quan sát của Ellison, thời điểm bà mẹ mang thai và sinh con là một môi trường rất hoàn hảo cho việc học tập hoặc nghiên cứu. Trong cuốn sách The Mommy Brain, Ellison chỉ ra rằng đây là thời điểm mà những điều mới mẻ, những kinh nghiệm và cả những thách thức đang cùng một lúc tìm đến bạn trong bối cảnh của những cảm xúc tích cực.

Buckley cũng đồng ý với quan điểm trên và cho rằng đây là những điều kiện lý tưởng để thúc đẩy sự thành công trong học tập và cơ hội cho não bộ phát triển.

Chứng mau quên

Theo như những kết luận nói trên của Ellison và Buckley, người mẹ sẽ trở nên thông minh và nhanh nhạy hơn khi có em bé thì tại sao có nhiều bà bầu và nhiều bà mẹ lại đều cảm thấy rằng trí nhớ của họ bỗng nhiên tồi tệ hơn và khả năng tập trung không còn được như trước nữa?

Ellison đã viết trong cuốn sách của mình, chẳng qua một số bà mẹ đã có những rắc rối về nhận thức. Trong bất kì việc gì, những người phụ nữ mang bầu thường bị so sánh với những phụ nữ không mang bầu là họ làm việc không tốt bằng những phụ nữ kia.

Những mặc định ấy dần dà đã biến những bà bầu luôn “tự kỉ ám thị” rằng bất cứ điều gì mình làm thường tệ hơn trước đây, và trí nhớ cũng thế trong khi sự thực không phải vậy.

Buckley cho biết thêm “những thay đổi trong cấu trúc não và khả năng nhận thức của các bà mẹ đã ngay lập tức xuất hiện kể từ khi họ thụ thai. Những người phụ nữ nói rằng họ mắc chứng hay quên ngay khi họ biết được rằng mình mang bầu”.

Theo ý kiến của Buckley, các bà bầu và những phụ nữ mới sinh đều cảm thấy dường như họ đang bị… mất trí bởi họ nhận thức nhanh hơn với bất cứ lỗi lầm nào của bản thân dù cho các biểu hiện của họ không hề tệ lắm như họ đang lầm tưởng.

Thực tế, cũng có những giai đoạn mà người mẹ phải trải qua một thời kì mà bộ não hoạt động chậm hơn lúc bình thường. Trẻ con không phải là những bệ phóng tên lửa nên từ lúc còn là một bào thai cho tới khi ra khỏi bụng mẹ, não bộ của chúng không thể ngay lập tức phát triển hoàn thiện.

Các hoóc môn từ thời kì thai nghén do đó cũng ảnh hưởng đến tốc độ và làm chậm não mẹ để phù hợp cũng như đồng bộ hơn với em bé.

Tìm về sự thực

Mang thai và nuôi con khiến cho người phụ nữ luôn cảm thấy mệt mỏi bởi những trận ốm nghén, thiếu ngủ vì phải thức dậy nhiều lần trong đêm cho con bú cùng với những biến chứng khác.

Bởi vậy, những rắc rối liên quan đến việc này hay quên (nếu có) phần nhiều là do mệt mỏi, kiệt sức gây ra chứ không phải là do não đang có vấn đề.

“Mất trí nhớ” không phải điều tồi tệ

Sự thật hiển nhiên là dù cho bạn có trở nên lẫn cẫn, hay quên và khả năng ghi nhớ kém trong giai đoạn này thì điều đó cũng không có gì đáng ngại bởi sự phát triển, thay đổi của não mẹ lại có khả năng phân biệt tiếng khóc cũng như “đánh hơi” được đúng em bé nào là của mình dù cho có được đặt bên cạnh nhiều trẻ sơ sinh khác.

Và cho dù mẹ đang ngủ say, mẹ vẫn có thể nhận ra được những “tiếng gọi” của con mình thông qua những dấu hiệu nhỏ nhất như tiếng ọ ọe, những cử động khác như trở mình, quẫy đạp tay chân của em bé như một “ám hiệu” nói với mẹ rằng: “Mẹ ơi, mẹ dậy đi, con cũng thức dậy rồi đây”.