Biểu hiện của còi xương
Bệnh có thể xuất hiện ở tuần thứ 2 sau khi sinh. Biểu hiện của bệnh thông thường là hạ canxi máu, thể hiện bằng các triệu chứng: Trẻ giật mình và quấy khóc khi đang ngủ. Các cơn co thắt kéo dài làm bé khan tiếng, ngạt thở và có thể ngừng thở ngắn. Khi thở, có tiếng rít nhẹ. Dễ bị ọc sữa khi bú. Đi tiểu và tiêu són nhiều lần trong ngày.
Nên cho trẻ tắm nắng thường xuyên để tránh bị còi xương. Ảnh: B.L
Nặng hơn, có thể xuất hiện những biến dạng xương như bẹp hộp sọ do tư thế nằm. Nếu nằm ngửa, bé sẽ bẹp vùng dưới đỉnh đầu. Nếu nằm nghiêng, bé sẽ bị bẹp một bên thái dương. Do hộp sọ của bé còn mềm, não lại phát triển nhanh nên những nơi chưa được vôi hóa tốt, hộp sọ sẽ bị đẩy ra ngoài tạo thành bướu.
Phòng bệnh đơn giản
Để phòng bệnh còi xương sớm sau sinh, cách tốt nhất là sau sinh, các bà mẹ hãy thực hiện một chế độ sống khoa học, chứ không nên kiêng cữ theo những điều không còn phù hợp với điều kiện sống hiện tại.
Mẹ có thể uống thêm sữa, ăn các thực phẩm giàu canxi để bổ sung canxi cho bé thông qua nguồn sữa mẹ. Tắm nắng cho con vào lúc sáng sớm, nếu là mùa đông, từ 7h – 9h trong vòng 10 – 30 phút. Nếu là mùa hè, nên cho trẻ tắm sớm hơn, từ 7h – 8h và trong vòng 10 – 15 phút. Khi tắm nắng cho trẻ, cần chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ, có nhiều ánh sáng mặt trời (không được ngồi sau cửa kính để tắm nắng vì ánh sáng mặt trời khi chiếu qua kính sẽ mất tác dụng của tia cực tím).
Sau 6 tháng, nếu sữa mẹ ít dần những chất dinh dưỡng, mẹ cũng tập cho con ăn thêm những thức ăn giàu canxi (các loại gan động vật, trứng, bơ, sữa) để bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cần thiết cho sự phát triển của bé. Bổ sung vitamin D 400 đơn vị/ngày cho trẻ đẻ non, đẻ thấp cân nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Bác sĩ Bùi Phương