Thời điểm bạn cảm thấy mình là mẹ tệ nhất
Ôi trời ơi 5: Bạn chấp nhận điều lẽ ra không được chấp nhận!
Chẳng hạn con bạn đòi ăn bánh trước khi ăn cơm, và vì một lý do nào đó cho đến giờ vẫn chưa hiểu nổi, bạn cho bé ăn. Sau đó thì bạn hối hận quá trời, tự trách mình sao yếu đuối dễ đầu hàng đến thế. Bạn cứ thế này thì người ta nói con hư tại mẹ không oan chút nào!
Bình tĩnh nào! Thỉnh thoảng chiều theo lời nài nỉ của con sẽ không khiến bạn trở thành một người mẹ tệ hại thiếu trách nhiệm đâu. Tất nhiên là nếu thường xuyên như vậy, bạn sẽ dễ khiến bé nghĩ mẹ mình muốn gì cũng chiều, đòi gì đều được nấy; nhưng thỉnh thoảng ư, không cần thiết phải nghĩ ngợi nhiều quá!
Ôi trời ơi 6: Bạn quát mắng con!
Bạn đã nhắc đi nhắc lại con không được ném bóng trong nhà, và rồi CHOANG! Chiếc bình hoa đã vỡ! “Mẹ đã nói bao nhiêu lần không được làm như thế! Bực quá đi, sao con hư thế hả!” Bạn thật sự mất bình tĩnh và hét lên ầm ầm.
Bình tĩnh nào! Trẻ con sinh ra đời để thử thách lòng kiên nhẫn của người lớn. Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta kiềm chế được một cách đáng tự hào, nhưng thỉnh thoảng cũng có lúc ta thất bại. Khi những “tai nạn” như vậy xảy ra trong nhà, có lẽ sẽ khó để bạn kiềm chế tiếng hét lên thảng thốt, nhưng quan trọng là sau đó bạn có biện pháp phạt thích hợp, thảo luận về cách làm sao tránh tình huống này tái diễn, rồi xin lỗi con vì đã quát lên ầm ĩ (xin lỗi trước hay sau sẽ có thể đưa đến những hiệu ứng khác nhau cho cuộc nói chuyện nghiêm túc này).
Ơi trời ơi 7: Bạn cãi nhau với chồng trước mặt con!
Bạn không định như thế, nhưng cuộc sống làm sao tránh được điều gì đó (dễ lắm, nhiều lắm) khiến tức nước vỡ bờ. Khi các con tròn mắt, đứng cứng đờ người nhìn bố mẹ, bạn nghĩ “điều này sẽ để lại vết sẹo khó phai trong lòng con mất thôi!”
Bình tĩnh nào! Các chuyên gia nói rằng bạn đừng lo lắng quá, thậm chí chuyện thỉnh thoảng (ít thôi nha) xích mích với chồng trước mặt con còn có thể có lợi nữa, bởi vì qua đó bạn giúp con hiểu và làm quen với cách giải quyết các khúc mắc, các vấn đề xảy ra trong cuộc sống, học cách thỏa hiệp và hiểu rằng cãi nhau với người mình yêu thương không phải là chuyện gây tận thế.
Tuy nhiên, nói vậy nhưng bạn vẫn nên giải quyết các vấn đề của mình một cách ôn hòa, cam đoan với con là những trận “oánh lộn” của bố mẹ chỉ thỉnh thoảng xảy ra thôi và luôn có công đoạn hòa giải sau đó nhé!
Ôi trời ơi 8: Con bị điểm kém, con bị kiểm điểm!
Con rụt rè chìa ra cho bạn xem kết quả bài kiểm tra điểm thấp, hoặc bản kiểm điểm cần chữ ký của phụ huynh. Dù rằng trước đây bạn chẳng phải là học sinh gương mẫu gì nhưng chuyện này cũng thật không thể chấp nhận được. Bạn vẫn ngày ngày kèm cặp đấy chứ có phải dạng bỏ bê con cái đâu?
Bình tĩnh nào! Người lớn còn hay mắc sai lầm nữa, nói chi đến trẻ con; những kết quả kém có thể xảy ra bất chấp bạn kèm cặp thế nào, bạn không nên nổi trận lôi đình khiến con hoảng loạn, từ đó tìm cách giấu diếm, cũng đừng nên tự dằn vặt mình yếu kém không dạy được con. Cách phản ứng tốt nhất trong tình huống này là hãy tìm hiểu lý do, hỏi nhận xét của cô để cùng tìm cách giải quyết vấn đề, cũng như nói chuyện rõ ràng với con để những chuyện này sẽ không tái diễn.
Ối trời ơi 9: Bạn cho con xem TV / chơi iPad quá nhiều!
Bỗng một ngày cuối tuần mưa gió nọ, bạn chả đi đâu được nên làm siêng đi dọn nhà… Sau 3 tiếng dọn dẹp nhà cửa, bạn nhận ra rằng cũng trong bằng ấy thời gian con bạn dán mắt vào TV hay chiếc máy tính bảng – 3 tiếng quý giá của cuộc đời! Con còn quá bé để nhận ra sự lãng phí này, còn bạn, bạn đã thấm được rồi mà vẫn để con như thế thì bạn quá thiếu trách nhiệm!
Bình tĩnh nào! Dù kể ra cũng lãng phí thật, nhưng 3 tiếng cũng không phải là quá ghê gớm đâu. Các chuyên gia khuyên chúng ta giới hạn thời gian xem TV, máy tính của con dưới 2 tiếng đồng hồ mỗi ngày, nhưng thỉnh thoảng có 1 tiếng cộng thêm vào ngày trời mưa gió cũng không phải là mối nguy hại quá lớn phá hỏng não bộ của con. Tuy nhiên, nói vậy bạn cũng phải tính sẵn thời gian biểu cho những hoàn cảnh đặc biệt khi mưa gió phải ở trong nhà, ít nhất cũng cần những hoạt động để chia nhỏ thời gian bám máy của con nhé.