Đau thắt lưng là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà nhiều bà mẹ sau sinh gặp phải. Tại sao bà mẹ sau sinh lại rất hay bị đau lưng? Làm thế nào để ngăn ngừa cơn đau lưng “hành hạ” bạn một cách khủng khiếp sau khi đẻ?
Bài phân tích sau đây của bác sĩ Phan Minh Ốc, Phó trưởng khoa Trung y, Viện Bảo vệ chăm sóc trẻ em Tỉnh Quảng Đông (TQ) giúp chị em phụ nữ có thêm kiến thức chăm sóc sức khỏe chủ động và cẩn thận.
Nhiều bà mẹ trẻ sau khi sinh, thường cảm thấy đau lưng, đặc biệt là sau khi ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài, đau nặng nặng vùng thắt lưng, thậm chí có lúc không thể vận động xoay người được. Nhiều người còn bị đau lưng kéo dài, trở thành đau mạn tính. Điều này nếu không biết phòng tránh sẽ rất nguy hiểm, sẽ bị đau lâu dài và giảm chất lượng sống.
Nguyên nhân gây ra đau lưng sau khi sinh
1. Cơ thể chưa hồi phục
Phụ nữ sau khi mang thai, không chỉ thay đổi nội tiết tố, cơ bắp và dây chằng thắt lưng đều trở nên lỏng lẻo; bên cạnh đó khi thai kỳ càng về sau, tử cung phát triển to dần lên nên dây chằng vùng thắt lưng càng phải dành nhiều sức để nâng đỡ. Càng về cuối thai kỳ, dây chằng càng giãn ra và trở nên chùng xuống, lỏng lẻo, nén vào dây thần kinh vùng chậu, mạch máu…
Vì vậy, bắt đầu vào cuối thời kỳ mang thai, nhiều bà mẹ sẽ có cảm giác đau lưng, thường khoảng một tháng sau khi sinh mới có sự hồi phục.
2. Cơ thể thiếu canxi
Khi mang thai, sự phát triển của thai nhi rất cần bổ sung đủ canxi, phốt pho và các chất dinh dưỡng khác để bào thai phát triển đầy đủ. Chế độ ăn uống thường xuyên của phụ nữ mang thai không đáp ứng đủ yêu cầu về canxi mà cả người mẹ và thai nhi cần, từ đó cơ thể phải lấy canxi từ xương của người mẹ để bù đắp, gây ra loãng xương.
Sau khi sinh con, người mẹ tiếp tục cho con bú, lại thất thoát thêm một lần canxi nữa, gây ra thiếu hụt nặng nề hơn, người mẹ sẽ cảm thấy đau lưng dữ dội hơn.
3. Tư thế không đúng
Nhiều bà mẹ thích cúi xuống khi cho con bú mà không để ý điều chỉnh tư thế ngồi, hoặc đừng ngồi nằm trong tư thế lệch, tạo ra sự mệt mỏi hoặc trái tư thế cho cơ bắp, dẫn đến đau vẹo vùng lưng.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên cúi xuống để chăm sóc bé, ví dụ như khi thay tã, bồng bế, tắm gội cho bé, cũng có thể là nguyên nhân gây mỏi và đau lưng.
4. Nhiễm lạnh
Phụ nữ sau sinh thường bị tổn thương khí huyết, nếu không chú ý để giữ ấm cơ thể, dễ bị gió lạnh tấn công, xâm lấn sức khỏe, gây ra hiện tượng cơ thể thừa độ ẩm, đau đớn vùng lưng, xương khớp trên toàn cơ thể.
5. Làm việc quá sức hoặc nằm im không hoạt động
Sau khi sinh, có 2 nhóm người bị đau lưng nhiều hơn, một là nằm yên bất động suốt cả ngày mà không làm gì; hai là làm việc quá sức không được nghỉ ngơi đầy đủ. Điều này rất dễ hiểu vì nếu bạn làm việc quá nhiều sẽ làm giãn các dây chằng. Còn nếu nằm yên không vận động, khí huyết tích tụ lại ở vùng chậu không lưu thông, đều là nguyên nhân gây ra đau lưng.
6. Khí huyết không đủ
Đông y cho rằng phụ nữ sau sinh luôn gặp phải hiện tượng thiếu máu, gan thận mất cân bằng là một trong những nguyên nhân gây đau lưng và một số triệu chứng khó chịu khác.
7. Nguyên nhân khác
Một số người đi giày cao gót, nằm đệm quá mềm, vận động vùng eo quá sớm hoặc quá mạnh cũng có thể dẫn đến đau lưng.
Làm thế nào để ngăn ngừa đau lưng sau khi sinh?
Việc phòng ngừa chứng đau lưng sau sinh quan trọng nhất là tránh những nguyên nhân đã liệt kê ở trên. Ngoài ra, bạn nên lưu ý các yếu tố quan trọng sau đây.
1. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ
Phụ nữ sau sinh nên chú ý đến ăn uống cân bằng, ăn thêm nhiều thực phẩm chứa canxi. Có thể ăn thêm các món ăn bồi bổ khí huyết, giúp cơ thể nhanh chóng phục hồi sức khỏe.
2. Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý
Làm việc nhà, chăm sóc con và nghỉ ngơi hợp lý, không lao động quá sức, không làm các công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến xương khớp và dây chằng. Đi bộ nhẹ nhàng để lưu thông khí huyết.
3. Nếu đau lưng cần phải nhờ chuyên gia hướng dẫn để phục hồi chức năng
Sau khi sinh khoảng 2 tuần là có thể tiến hành tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng, cần sự hướng dẫn của chuyên gia hoặc tìm hiểu kỹ những bài tập phù hợp để phục hồi cơ thể nhanh chóng hơn.
Nếu đau lưng nghiêm trọng sau khi sinh thì nên đi đến bệnh viện để điều trị vật lý hoặc liệu pháp xoa bóp, để giải phóng tình trạng huyết ứ, tăng cường cơ bắp hoạt động, cải thiện triệu chứng thắt lưng căng thẳng, giảm bớt các cơn co thắt gây đau.
4. Xoa bóp mát xa vùng lưng
Bạn nên dành thời gian rảnh để xoa bóp, mát xa vùng lưng thường xuyên để thư giãn và xua tan mệt mỏi.